Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

(51) Sóng





Dữ dội và dịu êm

ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể


Ôi con sóng ngày xưa 

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ 


Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên? 


Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau 


Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức 


Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương 


Ở ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời các trở 


Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa. 


Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ. 





Xuân Quỳnh 



Sưu tầm : 

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

(50) Viện dưỡng lão

 
Có lẽ ai ai trong đời cũng đã có lần đi taxi. Dễ ợt có gì đâu, cứ tìm số điện thoại các hãng taxi rồi bấm số gọi, cho biết địa điểm, xong thì chờ xe tới đón. Nhưng ở quận Cam thì không biết từ bao giờ lại xuất hiện một nghề là lạ, đó là "taxi đưa đón phi trường". Cứ mở các nhật báo ở mục quảng cáo, rao vặt thì thấy ngay hằng hà sa số "Đưa đón - Đi khắp nơi - Dọn nhà - Phi trường - Tuyên thệ - Thi lấy bằng", vân vân và vân vân. Đa số những người làm nghề này là đàn ông (nhưng vẫn có phụ nữ), người Việt Nam. Có người làm thêm như một nghề tay trái, nhưng đa số thì xem đây là nghề chính để nuôi sống bản thân và gia đình. Con số các taxi Việt Nam ngày càng đông, và nghề này cũng khá thịnh hành vì dễ làm, thuận tiện về giờ giấc. Dường như người dân ở vùng này ít khi gọi taxi Mỹ vì giá cả mắc hơn, vả lại nói chuyện với taxi Việt Nam thì dễ dàng, khỏi cần suy nghĩ tìm từ ngữ chi cho mệt óc. Thông thường hễ cần thì mình gọi taxi, gặp người nào cũng được, và rất ít ai quan tâm đến việc chọn một người taxi riêng cho mình. Nhưng tôi thì khác...

Tôi quen anh Lâm taxi gần 3 năm nay. Mắt tôi hơi yếu, nên mỗi lần cần đi đâu xa, tôi không dám lái xe mà gọi taxi. Lần đầu tôi mở báo ra xem rồi gọi anh A, lần kế gọi anh B, rồi anh C, anh D... nhưng dần theo năm tháng, tôi quyết định chọn anh Lâm làm người taxi "ruột" mà tôi ưng ý nhất. Bởi anh tính giá phải chăng, anh lại vui tính, lên xe anh hay nói chuyện này, chuyện nọ cho thời gian qua mau, hay có thể do anh và tôi hợp gu chăng? Nên thường khi cần đi đâu, bao giờ tôi cũng gọi anh trước, chỉ khi nào anh kẹt vào ngày giờ tôi cần, thì tôi mới gọi người khác. Nhưng có một điểm mà có lẽ một số hành khách có lẽ không hài lòng cho lắm, như có lần anh tâm sự với tôi, là anh luôn luôn đến đón họ sớm chút hay trễ chút. Tôi còn nhớ lần đó, tôi hẹn anh tới đón lúc 11 giờ rưỡi. Anh hỏi: “Đi sớm chút được không em? 11 giờ 10 anh lại, ráng giúp dùm anh chút đi”. Ngẫm nghĩ thấy cũng không có gì mà ầm ĩ, tôi đồng ý.

Khi lên xe, anh Lâm phân trần: “Em thông cảm dùm. Anh phải mua cháo mang vào cho Má anh. Hôm qua tự dưng bả nói thèm ăn cháo gà. Mà anh không mua là bả giận bỏ cơm cho coi”. Tôi ngạc nhiên lắm, vì có bà mẹ nào mà “nhõng nhẽo” dữ vậy ta. Hỏi ra thì mới biết mẹ anh Lâm đang ở trong viện dưỡng lão từ hơn 6 năm qua. Anh còn nói: “Cám ơn em nha. Nhiều khách khó chịu lắm, họ chỉ muốn đi thật đúng giờ. Sớm chút là họ bỏ, gọi taxi khác. Anh cũng đành chịu mất khách thôi”.

Anh Lâm lái xe vào khu dưỡng lão trên đường Haster. Anh bảo tôi ngồi trong xe đợi, 10 phút anh quay lại ngay. Tò mò, tôi hỏi: “Em vô được không?”. Anh Lâm gật đầu: “Được chứ, chỉ sợ làm phiền em thôi”. Thế là hai anh em bước vào Garden Park Care Center.
Lần đầu tiên vào khu nursing home, tôi ngơ ngác như con nai vàng, anh Lâm đi đâu tôi cứ theo đó. Sao mà quẹo trái, quẹo phải tùm lum, vậy mà ảnh thuộc lòng mới tài chứ. Bước vào phòng, không thấy ai, anh quay sang tôi nói: “Chắc họ đưa Má anh ra hội trường rồi”, xong anh tất tả quay ra. Hai chúng tôi đang đi trong dãy hành lang thì tôi nghe tiếng cười nói ồn ào vui nhộn văng vẳng ra từ một căn phòng. Lúc đó tôi nghĩ: “Ái chà, người già mà sao còn cười giỡn dữ vậy? Coi bộ cũng yêu đời quá chứ”. Nhưng hỡi ôi, khi bước vô hội trường thì mới biết thực hư. Thì ra tiếng cười giỡn nãy giờ tôi nghe là tiếng cô MC trên màn ảnh đang pha trò trong show ca nhạc. Trước mặt tôi chừng hơn ba chục ông bà lão, mà hơn hai phần ba là bà, chỉ chừng vài ông cụ mà thôi, và ai nấy đều ngồi trên xe lăn. Tôi quay sang anh Lâm: “Sao đàn bà không vậy anh?”.Anh trả lời ngay không suy nghĩ: “Thì đàn bà bao giờ cũng khổ hơn đàn ông, em không thấy vậy à? Sống thọ mà làm gì, con cái nó thảy mình vô đây chèo queo một mình, sống vậy thì anh thà chết còn sướng hơn”. Tôi thấy vui vui vì cái tính bộc trực, nghĩ gì nói đó của anh taxi này. Tôi chợt nhớ mình có đọc ở đâu đó người ta có nói là đàn bà sống thọ hơn đàn ông vì sức chịu đựng dẻo dai hơn, và đàn bà chịu... khóc hơn đàn ông, và đó cũng là một cách giúp xả stress.

Trước mặt tôi là những gương mặt vô hồn, dửng dưng, im lặng. Tôi lúng túng, và chỉ trong tíc tắc, tôi quyết định mĩm cười, cười với mọi người tôi gặp nơi đây, vì tôi nghĩ có lẽ đó là món quà duy nhất mà với họ, có thể là còn ý nghĩa và giá trị. Tôi quay sang cười: 
“Chào bác”, “Chào cô”. Những người đàn bà nhìn tôi, nhưng chẳng ai cười. Gương mặt ai cũng buồn, không chút xúc cảm.
Một cụ già ngồi gục xuống mà nước miếng cứ chảy dài xuống áo. Cụ bên cạnh thì quẹo đầu sang một bên, mắt đờ đẫn, dường như cụ bị tật ở cổ thì phải.

Bỗng dưng có bà cụ trông có vẻ già lắm, nét mặt rất phúc hậu, cụ chắp hai tay xá tôi lia lịa. Tôi sợ mang tội nên lật đật vịn hai tay bà lại và nói: 
“Cụ khỏe không cụ? Cụ đừng lạy con. Con vào thăm cụ đây”. Anh Lâm bảo: “Bà này sắp bị Alzheimer rồi em ơi. Từ mấy tháng nay ngày nào bả cũng mong chờ con trai và cháu nội vô thăm, mà tụi nó cứ biệt tăm. Bả đang lạy Phật cầu cho con cháu vô thăm đó, chứ không phải lạy em đâu”. Tôi nghe lòng mình thắt lại. Tôi liền giả bộ: “Má, con tới thăm Má nè. Má khỏe không?”. Bà cụ ngước lên nhìn tôi, nhíu nhíu cặp mắt tèm nhèm mà tôi thấy hai tròng đen đã mờ đục hẳn, bà nhìn một hồi, vẻ hoài nghi, và lát sau bà lắc đầu: “Không, con trai, con trai”, rồi bà lại xá tôi lia lịa. Anh Lâm kéo tay tôi: “Anh đã nói con bả là con trai kia mà, em giả bộ bả đâu có tin”. Tôi nói: “Vậy thì bà cụ còn tỉnh mà anh, còn trí nhớ mà”. Anh Lâm gật đầu: “Chỉ những gì dính líu tới con cháu thì bà nhớ. Còn những việc khác như làm vệ sinh, đi tiểu tiện, ăn uống thì bà quên hết. Có vào đây thì em mới thấm thía tình đời”.

Anh Lâm bước đến và đưa tay đẩy một chiếc xe lăn. Một bác gái chừng ngoài 70, mà tôi đoán là mẹ anh, ngồi ủ rũ trên xe như đang buồn ngủ. Tôi theo anh đưa bác về phòng. Đến nơi, anh đỡ bác lên giường, xong anh bày tô cháo ra trên bàn rồi bảo: “Cháo gà nóng con mới mua, mợ ăn đi kẻo nguội. Còn đây là nước mía, ăn xong mợ nhớ uống. Giờ con phải đưa khách đi, trễ giờ rồi”. Tôi chào bác gái ra về. Bà chỉ gật nhẹ đầu đáp lại.

Lên xe, tôi tò mò hỏi thêm về bác. Anh Lâm kể: “Ba má anh có 5 người con. Xưa kia ba anh là đại úy của 3 đời tổng thống (Vua Bảo Đại, TT Diệm và TT Thiệu). Má anh ở nhà nội trợ lo cho 5 đứa con. Ba anh mang tiếng là đại úy chứ nhà anh nghèo lắm, má anh giỏi xoay xở vô cùng mới đủ sống đó chứ. Sau 75, ba anh ở tù 5 năm rồi sau đó cả nhà được sang Mỹ năm 1989 theo diện HO. Khi mới qua với hai bàn tay trắng, cả ba và má anh đều phải đi làm đủ nghề để sống và nuôi các con. Khi đó mấy anh em cũng lớn rồi, mạnh đứa nào đứa nấy bung ra đi làm. Tụi anh đứa nào cũng sức trai tráng, ăn mạnh như voi, nên má anh cứ dành hết món ăn nào bổ là nhường cho chồng và các con. Ba anh thì sức khoẻ rất kém sau những năm tù đày, nên ổng cứ bệnh rề rề và qua đời năm 1997 vì bị xuất huyết bao tử. Sau cái chết của ba, má anh càng xuống tinh thần thấy rõ.
  
 Lúc này anh và mấy đứa em đã có gia đình riêng. Anh là anh cả, thằng S. có vợ , mua nhà nhưng không dám mang má về ở chung, mặc dù nó là đứa khá giả nhất trong gia đình. Con C. lấy chồng dọn đi Nevada. Thằng A. thì qua ở với vợ bên Thụy Sĩ. Chỉ còn anh và N., cô em gái bệnh tâm thần từ hồi còn ở Việt Nam, nên má ở với anh và nó. Ông bà mình có câu ‘Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày’. Anh thấy câu này không đúng chút nào. Bởi như gia đình anh nè, tụi em anh có đứa nào nuôi ba má được một ngày nào đâu mà kể. Tội nghiệp ổng bả, cả đời còng lưng nuôi con khôn lớn. Để khi thành danh thì đứa nào cũng sợ chồng, sợ vợ không dám cho ba má ở chung. Ai cũng ca hoài cái điệp khúc ‘Con có gia đình riêng, còn nhiều thứ lo lắm. Thầy mợ ráng tự lo đi’. Đúng là bạc bẽo tình đời”.

Sau khi xổ một tràng cho hả giận, anh Lâm ngừng chút lấy hơi rồi tiếp tục kể:“Xưa kia khi ở Việt Nam má anh đã ít vận động, suốt ngày chỉ ở trong nhà lo việc bếp núc và chăm sóc các con, và có lẽ vậy mà xương má đã yếu. Sang đây thì bác sĩ cho biết là má anh bị thoái hóa cột sống, và các khớp xương ở đầu gối, cổ tay, đều thiếu chất dịch trơn nên cử động đều gây đau đớn lắm. Má không còn đi làm được nữa, và phải đi gặp bác sĩ thường xuyên để chữa trị. Sau 5 năm thì bác sĩ đề nghị với gia đình là cho má anh vô nursing home thì sẽ dễ dàng hơn, vì mấy anh chị em không ai rảnh mà chăm sóc cho má hết”.

Giọng anh Lâm đều đều: “Có ở xứ này mới nhận ra là đa số con cái đều bất hiếu lắm em ơi. Nước Việt Nam mình nghèo, con đi làm không đủ nuôi thân, nên không sao lo cho cha mẹ, mình còn chấp nhận được. Còn ở Mỹ, đứa nào cũng có xe, có nhà, chỉ có mỗi thời gian và lòng hiếu thảo là không có. Mà thời gian có đào ra được, cũng chỉ để dẫn vợ, chồng, con cái đi nghỉ hè, còn ông bà già thì mặc xác họ. Ngày nào vô đây 3 bận là anh tức, anh hận cái bạc bẽo của tình đời. Thằng con mà má anh thương nhất, cũng lại là đứa ham tiền, sợ vợ mà chưa hề đến gặp má, dù chỉ một lần, từ hơn 6 năm má anh vào đây. Anh là thằng má la rầy nhiều nhất, giờ thì chỉ mình anh mỗi ngày 3 cử vào ra, đem cơm nước và săn sóc cho bả”.

- Bộ trong đó họ không loo cho bác ăn uống sao anh?- Có chứ. Nhưng ngườ;i già trở tính lắm em ơi. 6 giờ sáng anh phải đích thân pha cà phê mang vô cho má, bởi chỉ có anh là biết cách pha đậm lạt như thế nào thôi, chứ mua ngoài tiệm má anh không chịu uống. Trưa phải mua món canh nào bả thích, còn chiều thì có lúc mua đồ tráng miệng, chè hay món gì nhẹ nhẹ mang vô. Anh thuộc lòng món nào má anh thích, món nào bả không ưa. Mà hễ anh không vô một cữ là bả nhịn không ăn cơm, thành thử khách mà gọi gần đến giờ vô nursing home là anh đành phải từ chối, không nhận khách, bởi vậy mà đời anh nghèo cứ mãi nghèo. Anh thì quê mùa có biết gì về tâm lý đâu, nhưng anh nghe người ta nói rằng người già rất sợ cô đơn, họ sợ bị bỏ rơi. Chính vì vậy mà họ tìm mọi cách để con cháu chú ý và quan tâm đến họ. Nói theo cách bình dân của mình, thì người già hay “trở chứng” lắm. Anh thì cứ nghĩ đơn giản là ngày xưa lúc còn nhỏ mình cũng quậy ba má làm ổng bả cực khổ, thì giờ nếu má có làm eo làm sách chút cũng không sao. Là con mình phải biết chiều ba má, lỡ mai này má có chết anh sẽ không hối hận chút gì hết cả.

Lần thứ hai đi taxi thì anh Lâm chở tôi ghé vào mang cơm cho bác gái. Hôm ấy bác mới vừa hết chứng nhiễm trùng phổi và được đưa từ nhà thương về. Khi tôi chào, bác chỉ gật nhẹ đầu như mọi lần. Tôi đưa mắt nhìn quanh phòng. Trên đầu giường bác có treo đầy các ảnh Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria cùng cây thánh giá. Tôi muốn bắt chuyện với bác nhưng không biết nói gì, cuối cùng tôi bảo: “Bác nhớ cầu nguyện mỗi ngày nhe bác. Chúa sẽ che chở cho bác”. Bà không nói gì cả mà chỉ gật đầu.

Chiếc giường bên cạnh có một cô trẻ hơn đang nằm dán mắt nhìn trên trần nhà. Tôi ngạc nhiên vì thấy cái tivi đang mở, chiếu bộ phim Đại Hàn thì phải, coi bộ hay và gay cấn lắm, mà sao hai người không ai thèm xem. Tôi bắt chuyện: 
“Ở đây cũng được quá cô hả? Có tivi để xem phim đỡ buồn”. Cô này nói ngay: “Chán lắm. Phim lúc nào cũng mơ với mộng. Đời ở ngoài mới cay đắng hơn nhiều. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại , nằm đây 3 năm rồi có khác gì nhà tù đâu”. Hỏi thăm tôi được biết là cô bị hư thận, phải lọc thận 4 lần mỗi tuần từ vài năm nay, nhưng chồng cô không rảnh chở cô đi, nên cuối cùng gia đình quyết định cho cô vào đây luôn để... rảnh nợ (theo lời cô nói ). Cô chua chát: “Lúc mới đầu, để thuyết phục tôi chịu vô đây, ổng (chồng cô) hứa là sẽ vào thăm tui dịp cuối tuần, nhưng được đâu vài tháng thì riết rồi cũng bặt tăm luôn. Nghe đồn ổng có bà khác rồi. Cuộc đời khốn nạn lắm”. Cô cay đắng lên tiếng.

Anh Lâm bước vô, đỡ bác gái đi làm vệ sinh. Lúc trở ra, trông bác có vẻ mệt, nên anh dìu đặt mẹ lên giường rồi rủ tôi đi đến bàn trực hỏi thăm về thuốc men của bác. Trên đường đi tôi hỏi nhỏ: 
“Sao má anh ít nói quá vậy?”. “Còn gì mà nói em”. Giọng anh Lâm bực bội. “Em thử nghĩ 5 đứa con mình nuôi từ nhỏ, cả đời cơ cực vì tụi nó, giờ mình già yếu thì không thấy mặt mũi đứa nào. Nằm ở đây 24 tiếng mỗi ngày, dài lắm em biết hôn. Hơn 6 năm trời, tha hồ mà nuốt nước mắt ngược vào trong. Má anh không nói, nhưng anh biết trong đầu bả nói nhiều lắm, và vì vậy mà đau khổ vô cùng. Những ai độc thân hay không con cái vậy mà sướng. Anh bảo bả nhiều lần rồi, ‘Mợ đừng suy nghĩ nữa. Người khổ là con đây nè. Lo cho mợ, cho vợ, cho con cái, cho đứa em bệnh tâm thần, riết rồi con muốn điên cả đầu và chỉ mong được chết sớm mà thôi’”.

Khi ngồi trên xe, chúng tôi nói chuyện nhiều lắm. Tôi thông cảm cho hoàn cảnh của anh, ngày nào anh cũng vào thăm má 3 cữ, đem cơm, đồ tráng miệng, và nhất là mỗi lần bác sĩ cho thứ thuốc mới là má anh đều làm nư không chịu uống. Anh kể: “Bả nhất định không uống thuốc. Bả cứ nói uống nhiều thuốc quá rồi cũng chết, vậy uống mà làm gì? Anh năn nỉ quá thì cuối cùng bả ra điều kiện là anh phải ngủ lại qua đêm, để lỡ nếu uống thuốc vô mà có bị gì thì anh chở bả đi bệnh viện gấp”. - Vậy anh có ngủ lại khôông? Tôi hỏi.
Dĩ nhiên rồi, đã dụ bả thì phải dụ tới nơi tới chốn chứ. Anh giả bộ trải tấm khăn nằm đại dưới đất, mà phải làm lén nữa chứ. Nhìn trước nhìn sau không thấy bóng nhân viên thì anh mới dám nằm. Hễ nghe tiếng chân ai bước tới là anh bật dậy, nói dối má là anh đi vệ sinh, vậy mà bả tin. Uống thuốc xong một hồi là bả ngủ. Thế là anh chuồn về nhà.Tôi buồn cười vì óc “sáng tạo” của anh Lâm. Nhưng vẫn còn tò mò, tôi hỏi:
-
 Sáng mai thức dậy không thấy anh thì bể mánh làm sao?- Vậy là em chưa biết gì về người già rồi. Ngủ một đêm là họ quên sạch, vô đây là ai cũng gần lú lẫn hết rồi em ơi.

Cách đây hơn một tháng, hai anh em có dịp đi xe chung, và bàn tán về đủ thứ chuyện trên đời, kinh tế xuống dốc, thất nghiệp, rồi về cơn thiên tai tại Nhật. Anh Lâm bảo tôi“Nói thiệt, thiên tai, chiến tranh, thảm họa hạt nhân gì anh cũng không sợ. Điều duy nhất mà anh sợ là anh chết trước má anh. Bởi anh biết anh mà có bề gì là má anh sẽ không còn sống nổi nữa. 6 năm qua, anh đã trở thành niềm vui và hy vọng của bả mỗi ngày.
Có một lần anh bệnh nên nhức đầu quá không dậy nổi, nên sáng và trưa anh không vô. Đến chiều thì cô nhân viên gọi, cô ta nói là má anh không chịu ăn uống gì hết. Bả cáu gắt với mọi người và cứ ngồi ngóng về hướng cửa. Bởi vậy mà như em biết đó, kinh tế khó khăn, nghề taxi nghèo lắm, nhưng hễ khách có gọi trùng vào giờ anh phải vô thăm má, thì anh luôn luôn chọn má, mà bỏ khách.
Không có người khách này, anh hy vọng sẽ còn người khách khác, nhưng má thì anh chỉ có một. Từ bao năm nay chưa bao giờ anh có thể đi chơi đâu với vợ con, cũng may trời thương nên bà xã anh rất thông cảm. Nhiều lúc mệt mỏi quá anh hay to tiếng với má, lúc về nhà thì lại hối hận.
Chắc tại anh là đàn ông nên không biết nói dịu dàng em ơi”. Tôi im lặng. Thấy thương người lái taxi ở vào tuổi trung niên nhưng chưa có được một ngày no đủ. Thương dáng anh lúc nào cũng tất tả. Thương tướng đi của anh bao giờ cũng hối hả. Thương cái lưng anh khòm khòm cứ chúi về phía trước. Có đôi lần anh hơi to tiếng với mẹ anh, và tôi hiểu là vì anh sợ trễ giờ của khách, lo khách sẽ phiền hà, nhưng tấm lòng hiếu thảo của anh thì chưa chắc người con nào khác đã có được.

Tuần rồi có việc cần đi taxi, tôi lại gọi anh Lâm. Giọng anh lo lắng: “Má anh bị gãy xương chân rồi. Em có thể đi sớm nửa tiếng dùm anh được không? Anh vào đó lo cho bả chút rồi mình đi”. Tôi đồng ý.Trên xe anh kể tôi nghe: “Nửa tháng trước khi đỡ bác lên giường, cô nhân viên vô tình không để ý nên một ống chân của má đập vào thanh giường và gãy. Từ đó má anh phải bó bột và không di chuyển được. Đau đớn mà bả không chịu uống thuốc, hễ anh vào là má cứ cằn nhằn khiến anh nhức cả óc”.

Anh Lâm thở dài chán nản: “Nhiều lúc anh mỏi mệt quá, chỉ muốn được chết cho xong. Nhưng lại nghĩ đến má, anh chết thì ai lo cho bả? Mai này anh già, anh không mong đứa con nào lo cho mình hết. Anh chỉ mong khi nào má mất, anh lo mai táng cho bả đàng hoàng tươm tất, rồi thì anh ước mình sẽ ra đi theo bả cho xong, sống thọ chưa chắc là phúc đức đâu em”.

Chiếc taxi cứ bon bon trên đường. Thấy tôi im lặng, anh Lâm lại bắt chuyện: “Em thấy khổ vậy đó, nhưng chưa phải tận cùng đâu em. Hôm nào tiện anh dẫn em qua khu bên kia, nơi đó chỉ toàn những người bệnh hấp hối, nằm liệt trên giường với đời sống thực vật. Họ không còn biết gì nữa hết, cũng không còn cả cảm xúc. Anh luôn tự an ủi mình là mỗi ngày ra vào những chốn này, mới nhắc nhở cho anh rằng đời là bể khổ, và mình còn sống được ngày nào khỏe mạnh thì đã là hạnh phúc”.

Tự dưng tôi chợt nhớ ra một điều, nên bảo anh:
Sắp đến ngày lễ Mẹ rồi đó, anh có định mua gì hay làm gì cho bác vui không? Anh làm hoài đó chứ, sinh nhật, Tết, Giáng Sinh, anh đều có quà cho bả vui. Nhưng riết rồi cũng chẳng còn ai vui, kể cả má hay anh. Người già vào đây từ từ rồi tim ai cũng chai, mà anh là người nuôi bệnh, tim anh cũng chai từ hồi nào anh không biết nữa. Tôi góp ý:
Có lẽ anh bị stress nhiều quá không? Công ăn việc làm, các em bỏ rơi mẹ, áp lực từ nhiều thứ quá nên anh buồn và bất mãn. Nhưng anh cố gắng đi, khi nào mẹ mất thì anh sẽ không hề hối tiếc điều gì cả. Anh Lâm lặng thinh.
Khi vào trong, như mọi lần, anh Lâm cứ hối mẹ: 
“Mợ mau lên, kẻo khách đợi”. Tôi bảo: “Từ từ, không sao đâu anh, hôm nay em không gấp”. Trong khi anh Lâm đi tìm người nhân viên để dặn dò điều gì đó, tôi bước lại hỏi thăm bác gái về cái chân đang bó bột. Bác cứ gật gật đầu, có vẻ mỏi mệt. Tôi hỏi: “Sắp đến lễ Mẹ rồi, bác thích hoa gì, anh Lâm sẽ mang vào tặng bác”. Bà lắc đầu:“Không cần”. Tôi không biết nói gì nữa. Nghe có tiếng chân ai bước tới gần, tôi đoán là anh Lâm nên tôi chào bác ra về. Tôi nói: “Bác đừng buồn. Bác hạnh phúc hơn nhiều người khác lắm, bởi vì ít ra bác cũng còn có được một đứa con hiếu thảo”. Bác gái gật đầu và quay mặt đi. Tôi thoáng thấy giọt nước mắt ứa ra từ khóe mắt bà. Chắc có lẽ ngượng với tôi nên bác quay nhìn nơi khác. Tôi bước đi về hướng cửa phòng, lòng cảm thấy vui, vì tôi hiểu đó là giọt nước mắt hạnh phúc của một người Mẹ.

Rời khu nursing home, tôi tự hỏi biết bao người mẹ, người cha cả cuộc đời hy sinh vì con cháu, để rồi khi bóng xế chiều tàn họ một mình vò võ nơi đây. Vào các viện dưỡng lão như thế này tôi mới càng thấm thía câu nói của ông bà xưa: “Nước mắt chảy xuôi, có bao giờ chảy ngược?”. Ngày lễ Mẹ sắp đến rồi, hằng trăm ngàn đứa con, thử hỏi có được bao nhiêu người còn nhớ ra là họ vẫn còn có một bà Mẹ tại nơi này? Đột nhiên tôi nhớ đến Má. Má tôi đang ở xa, và chưa năm nào tôi có dịp mừng lễ Mother's Day cùng Mẹ.

Nhìn đồng hồ. 12 giờ trưa. Mặt trời đứng bóng. Tôi thấy mắt mình cay cay, có lẽ do chói nắng? Và sao tự dưng mũi bắt đầu sụt sịt.
Anh Lâm chợt quay sang hỏi:
Em sao vậy? Sao mắt đỏ rồi? Nhớ Má hả?Tôi gật đầu.
Nhớ thì về thăm Má. - Bận... Tôi lúng búng. Năm nàoo lễ Mẹ, em cũng bận đi làm...
Giọng anh Lâm dịu xuống:
Em gọi thăm Má đi, và cũng đừng buồn. Xứ này ai mà không bận, anh hiểu. Thôi cứ ráng nhớ dùm anh câu này:“Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không?”Tôi gật đầu, ráng kềm chế để cầm giữ giọt nước mắt. Tiếng anh Lâm nhắc:“Đi em. Trễ giờ rồi”. 
Xong anh hối hả bước về phía xe. Tôi lầm lũi theo sau.
(Tặng anh Lâm - người lái taxi hiếu thảo)(bài do bạn Bá Trần giới thiệu)

Nguồn sưu tầm : Blog Quỳnh Hương.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

(49) Chủ tịch Tôn Hoa Sen trần tình việc chi 36 tỷ mời Nick Vujicic

25/05/2013 09:44

“Đó là sự đồng cảm dành cho Nick bởi Việt Nam cũng có khoảng 15% dân số là người khuyết tật, do hậu quả chiến tranh”, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen chia sẻ. 
DSC-0038-JPG[1072061918].jpg
Chủ tịch Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ tại buổi giao lưu sáng 24/5. Cổ phiếu HSG nối dài chuỗi tăng giá suốt từ đầu tuần sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh lạc quan và trùng với thời gian Nick tới Việt Nam, giúp tài sản chứng khoán của ông Vũ tăng thêm 180 tỷ đồng chỉ trong một tuần - Ảnh: Quỳnh Trang
Tôn Hoa Sen bỏ ra 32 tỷ đồng tổ chức sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam đang trở thành đề tài được quan tâm. Không ít ý kiến cho rằng, vụ đầu tư này lãng phí, sính ngoại. Kinh tế Việt Nam đang khó khăn, sản xuất đình đốn, doanh nghiệp giải thể hàng loạt. Không chỉ thế, ở Việt Nam còn rất nhiều người khuyết tật cần giúp đỡ và những tấm gương như Nick cũng không thiếu gì. 
“Những người khuyết tật Việt Nam cần những sự giúp đỡ thiết thực hơn là những "cú hích" về tinh thần mà Nick đã mang tới” - chia sẻ trên một trang cá nhân đã khởi đầu cho cuộc tranh luận trái chiều mấy ngày qua. 
Chuyện Tôn Hoa Sen cho đội xe hộ tống Nick gây ồn ào các tuyến phố đoàn xe đi qua hôm 22/5 cũng bị cho là phô trương. 
Trong buổi giao lưu của Nick Vujicic với cộng đồng doanh nhân khu vực phía Bắc sáng 24/5, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ giãi bày: “Tại sao chúng tôi lại tiếp đón Nick nồng hậu như vậy là vì chúng tôi đồng cảm, yêu thương với Nick. Đất nước chúng ta cũng có quá nhiều người khuyết tật do hậu quả của chiến tranh và chất độc da cam...”, ông Lê Phước Vũ nói.
DSC-0042-JPG-1369403715_500x0.jpg
Ông Vũ là người theo Phật giáo. Biết rõ điều này, Nick Vujicic từng chia sẻ với khán giả dù anh theo Thiên chúa giáo nhưng cả hai có điểm chung là cùng hướng tới cộng đồng, yêu thương mọi người - Ảnh:Quỳnh Trang
Trao đổi cụ thể hơn về vụ đầu tư tiền tỷ cho sự kiện Nick Vujicic sang Việt Nam này, ông Lê Phụng Hào – cố vấn cấp cao của Chủ tịch Tôn Hoa Sen, cho biết: “Trong hoàn cảnh kinh tế, cuộc sống có nhiều khó, người ta cần nhiều động lực hơn, do đó, chúng tôi đã mời Nick – một tấm gương về nghị lực sống, có khả năng truyền cảm hứng cho mọi người sang diễn thuyết. Bởi đây là chương trình vì cộng đồng, vé hoàn toàn miễn phí nên chúng tôi không tiếc đầu tư”.
Ông Hào cho biết chi phí cho chương trình nay đã lên tới 36 tỷ đồng chứ không còn là 32 tỷ nữa. 
Diễn giải cụ thể về những hạng mục cần chi trong con số 36 tỷ này, ông Hào cho biết, riêng tiền bản quyền trả cho First News, Tôn Hoa Sen đã tốn 150.000 USD. Chi phí cho việc thuê 4 địa điểm diễn ra 7 sự kiện lên tới 22 tỷ đồng. Việc đầu tư truyền thông cũng tốn 30% tổng chi phí cho toàn bộ sự kiện. 
Trong số 36 tỷ đồng đấy, Tôn Hoa Sen còn chi cho việc giúp đỡ những người khuyết tật, như cấp 40 học bổng trị giá 40 triệu cho những bạn trẻ khuyết tật có ý thức vươn lên trong học tập. 24 trường hợp được vinh danh trong chương trình, mỗi người cũng nhận được 20 triệu. Với những gia đình người khuyết tật từ các tỉnh vào TP HCM tham dự chương trình giao lưu với Nick Vujicic, công ty cũng lo chi phí đi lại, ăn nghỉ. 
“Chúng tôi không nghĩ đây là đem tiền cho người khuyết tật mà muốn tạo động lực cho họ thông qua việc giao lưu với Nick Vujicic”, ông Hào nói.
Theo ông, việc đầu tư lớn cho sự kiện cũng là động lực để giúp cộng đồng phát hiện ra nhiều Nick của Việt Nam và giúp đỡ. 
Trả lời chuyện hộ tống Nick quá rầm rộ, ông Hào cho đó là điều cần thiết. “Nếu chúng tôi không làm như vậy thì có thể Nick sẽ gặp sự cố. Người bình thường như mình bị xô đẩy còn đau huống chi Nick là người khuyết tật không có khả năng như chúng ta”, ông Hào nói. Ông cũng giải thích phải nhờ sự hỗ trợ của công an và mô tô mở đường để đảm bảo thời gian cho các sự kiện. “Chúng tôi không thể để hàng triệu khán giả phải chờ đợi xem chương trình vì ban tổ chức chậm trễ được”, ông phân trần.
Buổi giao lưu với chủ đề “Doanh nghiệp vì cộng đồng” tại Hà Nội sáng 24/5 nằm trong chuỗi sự kiện dày đặc suốt gần một tuần Nick tới Việt Nam. Vẫn với tinh thần lạc quan, khả năng diễn thuyết lôi cuốn, Nick Vujicic chia sẻ: “Làm từ thiện không mang lại lợi lộc cho doanh nghiệp nhưng nó vẫn cần được quan tâm. Những người cha, người mẹ là doanh nhân muốn con phải hào phóng, biết sống vì người khác thì chính mình cũng phải như thế”.
Nick cũng chia sẻ những câu chuyện cá nhân với cương vị một CEO như: Lãnh đạo phải tôn trọng nhân viên để mọi người trông vào mình và làm việc hòa đồng, hiệu quả...
Quỳnh Trang

(48) "Nick đã bị hiểu sai vì những lời bịa đặt vô căn cứ"

27/05/2013 16:09

Nick Vujicic rời Việt Nam trong sự nuối tiếc của nhiều người về một người truyền cảm hứng vĩ đại nhưng cũng để lại không ít tranh cãi sau một bài viết của một nhà báo được lan truyền trên facebook.
Trả lời chúng tôi về những cáo buộc Nick được rất nhiều người Việt tin là thật, bà Nguyễn Thị Hòa Bình, Phó Giám đốc công ty First News, Phó ban tổ chức sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam khẳng định những thông tin bài viết kia đưa ra là hoàn toàn sai sự thật.
Bà Nguyễn Thị Hòa Bình.
Tác giả bài viết trên facebook, và sau đó được nhiều báo đăng tải lại, cho rằng khi First News ký hợp đồng xuất bản sách của Nick ở Việt Nam, có một điều khoản bắt buộc là phải đưa Nick sang diễn thuyết ở Việt Nam. Điều này theo bà có đúng không?
Chúng tôi thực sự tiếc là trong lúc BTC còn đang phải bận rộn lo lắng cho sự kiện và sự an toàn của nhân vật cho đến phút chót thì những tin thiếu căn cứ như vậy lại được phát tán mạnh đến thế. Nhà báo đó không hề hỏi Ban tổ chức về hợp đồng đã ký và cũng chưa có bất kỳ báo nào đã đăng những thông tin này đến tận nơi, hỏi chúng tôi về bản hợp đồng đó, thế mà mọi thông tin được đưa lên báo cứ như đó là sự thật hiển nhiên.
Chúng tôi khẳng định rằng không hề có một bản hợp đồng nào như vậy. Hợp đồng phát hành các cuốn sách của Nick Vujicic do First News Trí Việt ký với nhà xuất bản Random House là nơi quản lý ấn phẩm của Nick, còn việc mời Nick sang Việt Nam là câu chuyện giữa First News và tổ chức xã hội Life Without Limbs, không hề liên quan đến nhà xuất bản. Hợp đồng phát hành cuốn sách đầu tiên của Nick (Cuộc sống không giới hạn) First News đã ký từ tháng 9/2011, trong khi mọi công việc liên quan đến việc mời Nick sang Việt Nam chỉ bắt đầu từ năm 2012.
Quá trình đàm luận với Tổ chức Life Without Limbs diễn ra khá lâu, do Nick có những chuyến đi trên toàn cầu cho nên tổ chức này rất bận và họ thẩm định mọi thông tin về First News rất kỹ rồi mới trả lời. Sau khi bàn luận và thống nhất về tất cả các chi tiết, hai bên mới chính thức ký hợp đồng hợp tác giáo dục về việc mời Nick Vujicic đến Việt Nam vào ngày 14/3/2013 để rồi sau đó hai tháng, Nick đặt chân tới Việt Nam. Thật đáng tiếc khi một diễn giả truyền cảm hứng hàng đầu thế giới và đã khẳng định uy tín của mình ở gần 50 quốc gia trên thế giới như Nick lại bị hiểu sai chỉ vì những lời bịa đặt vô căn cứ.
Nick Vujicic, hợp đồng, 32 tỷ
Hợp đồng First News ký kết với nhà xuất bản Random House về việc phát hành sách của Nick từ tháng 9/2011.
Nhà báo này cũng khiến rất nhiều người tin rằng Nick đã yêu sách rất nhiều khi sang Việt Nam, thù lao hơn 20.000 USD, ăn ở khách sạn 5 sao, chi phí an ninh…?
Điều này thì bạn đó còn sai lầm hơn nữa. Chi phí an ninh là bắt buộc đối với một người nổi tiếng và rất ít khả năng tự bảo vệ mình như Nick. Cũng thông tin thêm đến giới truyền thông để mọi người hiểu rõ, việc thuê một số công ty bảo vệ sự kiện chỉ là chuyện nhỏ.
Để thực sự đảm bảo an ninh cho các sự kiện có sự tham dự của mấy chục ngàn người này, First News Trí Việt đã phải báo cáo chi tiết tất cả tới Bộ Công An, Bộ Nội Vụ, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, UBND TP.Hà Nội và TP HCM, các sở ban ngành liên quan đến sự kiện. Vì thế, tại tất cả các sự kiện đều có sự quản lý của hàng ngàn người có chức trách tới từ các cơ quan chức năng, trong đó có hàng ngàn chiến sĩ công an đã không quản khó khăn đảm bảo an ninh cho sự kiện.
Và việc đảm bảo an ninh đó là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết bởi vì mỗi sự kiện đều có con số tham dự từ 5.000 người trở lên, trong đó cao điểm nhất tại hai sân vận động là Mỹ Đình: 30.000 người và Thống Nhất: 35.000 người. Bạn phóng viên kia có bao giờ tưởng tượng được ra nếu có bất kỳ một sự cố nào xảy ra tại đó với số lượng người tham dự lớn như thế thì BTC và các cơ quan phải chịu trách nhiệm sẽ như thế nào?
Còn về việc ăn ở của Nick ở Việt Nam, trong quá trình bàn thảo hợp đồng, Nick và Tổ chức Life Without Limbs chưa bao giờ yêu cầu chúng tôi về việc phải ở khách sạn 5 sao hay gì đó. Thậm chí, họ không tưởng tượng được ở Việt Nam họ có nhiều fans đến thế nên họ cứ đề nghị được ở các khách sạn bình dân và không có đoàn hộ tống đi cùng.
Nhưng vì lo lắng chu đáo và để đảm bảo hình ảnh quốc gia của Việt Nam mà chúng tôi đã trao đổi với các khách sạn mà Nick sẽ dừng chân. Mục đích đầu tiên là phải thuận lợi cho các chặng di chuyển của Nick để đến kịp các sự kiện. Và khi BTC trao đổi thì các khách sạn Rex (TP.HCM) và Daewoo (Hà Nội) đều vô cùng vui mừng và sẵn sàng miễn phí hoàn toàn chi phí ăn ở cho toàn bộ đoàn của Nick trong thời gian ở Việt Nam.
Nick Vujicic, hợp đồng, 32 tỷ
Nick Vujicic, hợp đồng, 32 tỷ
Hợp đồng giữa First News và tổ chức Life Without Limbs  về việc mời Nick sang Việt Nam diễn thuyết được ký vào tháng 3/2013
Vậy con số hơn 20.000 USD trả cho Nick mà bài viết nêu liệu có phải là quá lớn cho một người hoạt động xã hội?
Xin được đính chính lại cho chính xác, còn số mà chúng tôi gửi tới Tổ chức Life Without Limbs khi mời Nick sang diễn thuyết ở Việt Nam là 50.000 USD chứ không phải 20.000 USD.
Trên thực tế, khi Nick tới châu Âu, mỗi một chương trình diễn thuyết của Nick được trả 25.000 USD. Ở Việt Nam, Nick đã diễn thuyết tổng cộng 7 buổi chính thức và 1 chương trình chia tay. Nếu ngang bằng với chi phí của Châu Âu thì con số đó sẽ là bao nhiêu?
Tuy nhiên, tổ chức Life Without Limbs không sống bằng số tiền thu được từ công việc diễn thuyết của Nick. Cá nhân Nick cũng không sống bằng số tiền này. Anh thực sự là một CEO tài năng và hiện tại anh đang điều hành công ty cá nhân để kinh doanh, kiếm lợi nhuận nuôi vợ con. Công việc diễn thuyết và toàn bộ số tiền thu được từ đó, Life Without Limbs sẽ dành để làm từ thiện, trao lại cho các nước nghèo hơn trên khắp thế giới.
Khi bắt đầu bàn thảo, họ đã hỏi chúng tôi Việt Nam có tiền để chi trả cho Nick không, nếu không có, họ sẵn sàng miễn phí, cũng như sau khi rời Việt Nam để sang Campuchia diễn thuyết, xác định Campuchia là nước nghèo, Nick cùng đoàn của anh đã diễn thuyết miễn phí hoàn toàn, thậm chí tiền ăn ở đi lại Tổ chức Life Without Limbs cũng tự bỏ ra.
Còn First News, sau khi nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, đã thông báo lại với phía Nick một con số hợp lý mà chúng tôi có thể chi trả là 50.000 USD, cùng với các chi phí đi lại, ăn ở do phía Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn toàn. Quyết định này đã được sự nhất trí của cả BTC và chúng tôi hiểu rằng ngoài việc gửi tới Nick một số thù lao hợp lý cho sự cống hiến của một tấm gương vĩ đại, còn là để đảm bảo thể diện quốc gia của chúng ta.
Nick đội nắng chào các bạn Việt Nam
Trước những thông tin sai sự thật nhưng lại được lan truyền mạnh mẽ trong công chúng gây ra những hiểu lầm đáng tiếc, Ban tổ chức sự kiện sẽ có những động thái gì?
Chúng tôi sẽ gửi các văn bản cần thiết tới các cơ quan báo có đăng thông tin sai sự thật để yêu cầu làm rõ. Việc này không nhằm thanh minh mà để nhắc giới truyền thông hãy tác nghiệp cẩn thận hơn, hãy đề cao tâm và tầm của người cầm bút. Đừng vì sự thiếu hiểu biết hoặc sự ích kỷ cá nhân, thích phán xét vô căn cứ mà làm ảnh hưởng đến cả một cộng đồng độc giả rất rất lớn.
Bà nghĩ sao nếu cho rằng ban tổ chức sự kiện đã quá quan tâm tới tấm gương khuyết tật nước ngoài mà bỏ quên rất nhiều tấm gương khuyết tật Việt cũng đang nỗ lực vươn lên?
Trước khi Nick đến Việt Nam, VTV đã tổ chức hàng trăm hoạt động khác nhau để huy động tài chính và sự quan tâm của xã hội tới những người khó khăn, ví dụ như quyên tiền hỗ trợ người nghèo trong đêm 31/12 hàng năm. Tập đoàn Hoa Sen cũng đã tổ chức rất nhiều sự kiện từ thiện xã hội, trong đó có đêm giao thừa cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, giải bóng đá cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
First News Trí Việt cũng đã kêu gọi quyên tiền góp phần cho chị Trương Thị Hồng Tâm mua được một mái nhà che chở cho những đứa trẻ không may bị nhiễm HIV và bị bố mẹ chúng bỏ rơi, hỗ trợ trẻ khuyết tật tại hàng trăm nhà tình thương, tặng sách vào nhà tù với mong muốn mang lại ánh sáng làm thay đổi những cuộc đời lầm lỗi…
First News đã xuất bản cuốn tự truyện của dịch giả Bích Lan - một tấm gương nghị lực ý chí như Nick và có thể tới đây sẽ xuất bản tiếp cuốn sách về hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký…
Chúng tôi mong mọi người hãy hiểu rằng bất kỳ sự so sánh nào cũng là khập khiễng. Hãy nhìn vào bản chất sự việc và cùng nhau đi tới bằng nỗ lực khiến thế giới tốt đẹp hơn. Đa phần các nhân vật của chúng ta người làm được thì không nói được cho công chúng nghe, người nói được có thể lại chưa làm được nhiều như họ nói. Chính vì sự bất toàn của những nhân vật nào đó đã khiến cho đa phần họ mới chỉ ảnh hưởng được đến một cộng đồng nho nhỏ.
Còn Nick, sự vượt thoát khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo bằng một ý chí quá mạnh mẽ, sự rèn luyện bản thân để giữ được cái tâm trong sáng và đạo đức của một Con Người, sự lo lắng cho một cái chung của toàn cầu được hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn; Và từng hành động của anh, từng ngày của anh đang sống là để cống hiến cho điều đó đã làm cảm động đến trái tim của hàng triệu con người trên toàn cầu.
Vậy thì, việc đưa anh đến Việt Nam để cộng đồng người Việt chúng ta được học hỏi từ anh có gì là sai? Và chúng tôi hy vọng, từ cú hích Nick Vujicic, sẽ có thêm hàng loạt những chương trình, sự kiện, hoạt động khác tiếp nối để có thể chung tay và hỗ trợ tốt nhất cho những người khuyết tật của Việt Nam có thể vươn lên.
First News Trí Việt cũng đã hoàn thiện và chuẩn bị công bố một chương trình Phát triển Hạt Giống Tâm Hồn Việt Nam, để nhân rộng những tấm gương nghị lực, ý chí, can đảm, trung thực, đánh thức trở lại những phẩm chất tốt đẹp nhất trong mỗi người Việt, kêu gọi sự kết nối và hỗ trợ nhiều hơn từ người Việt đến người Việt. Điều này cũng chính là một trong những thông điệp mà Nick đã nhấn mạnh trong các buổi nói chuyện tại Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!
Hương Giang

Sưu tầm : 

(47) "Bút bi thần kỳ" và những tác hại khôn lường

27/05/2013 11:27

Hình dáng giống hệt các loại bút bi bình thường, nhưng loại "bút bi thần kỳ" có thể ghi, sửa ngay trên các loại giấy tờ quan trọng như hợp đồng, văn bằng, giấy ghi nợ… Xóa không để lại dấu vết
"Bút bi thần kỳ" bên ngoài không khác so với loại bút bi thông thường
Sau khi công an Hà Nội bắt lô hàng “bút phù thủy” từ Trung Quốc hồi trung tuần tháng 5, chúng tôi phát hiện tại TP.HCM nhiều “tay chơi” truy tìm một loại bút bi lợi hại hơn gấp nhiều lần “bút phù thủy”, mệnh danh là “bút bi thần kỳ”.
Lần theo dân công trình xây dựng, chúng tôi gặp được một kiến trúc sư tên N. đang sở hữu cây “bút bi thần kỳ”.
“Cây bút của mình nhờ bạn bè bên Nhật mua rồi mang về Việt Nam qua đường xách tay”, N. nói. Theo N., ở TP.HCM cũng có thể săn được loại bút này, nhưng rất khó khăn.
Chúng tôi tiếp tục đặt hàng dân săn hàng "độc" ở TP.HCM và cuối cùng cũng mua được một cây “bút bi thần kỳ” với giá gần 1 triệu đồng. 
 Cây bút này, có 3 ngòi 3 màu (đỏ, xanh, đen), nét bút 0,5 mm. Màu mực, nét bút không khác gì bút bi bình thường.
Chúng tôi thử nghiệm cây bút này bằng cách viết ra trên các loại giấy khác nhau như: giấy in, giấy dùng làm hợp đồng, trên văn bằng, chứng chỉ nghiệp vụ…; sau đó đều xóa sạch được chữ viết, không còn dấu vết mực. Bộ phận xóa mực chỉ đơn giản là một cục tẩy màu trắng trên đầu bút.
Kỳ lạ hơn, khi chúng tôi ghi chữ ra giấy, sau đó dùng bật lửa hơ phía dưới tờ giấy, mực cũng tự động biến mất rất nhanh, không để lại dấu vết…
Hiểm họa khó lường
Cây “bút bi thần kỳ” khó tìm mua, song nếu bị kẻ xấu lợi dụng thì hậu quả khôn lường gấp hàng chục lần “bút phù thủy”.
“Bút sa, gà chết”. Chính vì vậy, khi chúng tôi tiếp xúc với một số cán bộ công chứng tại TP.HCM, tất cả đều thực sự lo ngại nếu không may đóng mộc “chứng” các loại giấy tờ do kẻ xấu dùng “bút bi thần kỳ” viết ra. Sau khi công chứng xong, kẻ xấu dễ dàng tẩy xóa viết lại nội dung khác.
Đem cây bút vừa “săn” được đến gặp luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, sau vài thử nghiệm từ cây bút “độc”, luật sư Hậu cũng không tin vào mắt mình: “Quá bất ngờ, cây bút này rủi vào tay kẻ xấu thì tiền tỉ “bay” như không…”. 
Chữ gặp nhiệt độ cao sẽ biến mất không vết tích 
Theo luật sư Hậu, cây bút này quá “kỳ bí”, nếu không quản lý tốt thì hiểm họa khôn lường.
“Một khi cây bút này rơi vào tay kẻ xấu, có thể họ sẽ nhắm đến các ngân hàng. Những người cho vay nóng (tín dụng đen) cũng sẽ lợi dụng công năng loại bút này để “làm khó” người vay tiền”, luật sư Hậu nhấn mạnh.
Những người làm trong ngành ngân hàng phụ trách khâu tín dụng cũng rất sửng sốt khi nghe chúng tôi đặt giả thiết khách hàng dùng “bút bi thần kỳ”, ghi các giấy tờ khi thực hiện giao dịch.
“Hầu hết khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng đều dùng bút tại ngân hàng. Khi có giao dịch bên ngoài, khách hàng cũng có thể dùng bút của họ. Nếu nhân viên tín dụng không tỉnh táo bị khách hàng dùng “bút tẩy xóa” nói trên để ghi hợp đồng, giao dịch dễ xảy ra nhiều rắc rối… Tôi sẽ khuyến cáo các nhân viên tín dụng cần hết sức cảnh giác khi giao dịch với khách hàng, đặc biệt là khách hàng tự dùng bút viết, ký các giấy tờ”, phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM cho biết.
Hiện tại, loại bút này chưa có nhiều, nhưng nếu không quản lý chặt sẽ phổ biến trong thời gian tới. Do đó, Chính phủ cần sớm có quy định bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP (Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện), đưa mặt hàng “bút bi thần kỳ” vào danh mục các mặc hàng cấm kinh doanh, lưu hành, buôn bán.
Đối với việc sử dụng (nếu có), Chính phủ cần sớm có quy định cụ thể các nhóm đối tượng được phép sử dụng (nói cách khác: sử dụng có điều kiện), đồng thời tăng cường quản lý tránh hiện tượng loại bút này lọt vào tay kể xấu.
Khi chưa đưa vào danh mục cấm lưu hành, cấm buôn bán, Chính phủ nên có ngay văn bản cấm nhập mặt hàng nói trên.
 An Bang

(46) Cử nhân Văn học lay lắt sống bằng nghề viết báo thuê

27/05/2013 14:54

Ra trường với tấm bằng loại khá, lại trúng tuyển ngay vào vị trí Biên tập viên của một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội, cứ tưởng cuộc sống của Hương thế là ổn định, không ai ngờ lại có lúc cô phải loay hoay kiếm từng đồng để sống sót qua ngày...Từ một người năng động, tài hoa
Nguyễn Thị Hương sinh ra và lớn lên ở Phú Xuyên, Hà Nội, trong một gia đình thuần nông. Với quyết tâm thoát nghèo, Hương đã nỗ lực không ngừng để vào được đại học. Cuối cùng những nỗ nực của Hương cũng được đền đáp, Hương thi đỗ vào “khoa tuyển” của trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Hà Nội).
Khoác ba lô lên nhập học, trong khi các bạn vẫn còn đang mải mê tận hưởng niềm hạnh phúc của một sinh viên mới, Hương đã tự ý thức được hoàn cảnh của gia đình mình. Mỗi ngày, Hương đều tranh thủ thời gian rảnh rỗi để kiếm việc làm thêm như: làm PG cho các triển lãm, làm tạp vụ, bán hàng… và làm gia sư vào các buổi tối. Số tiền kiếm thêm khi đó đã có thể giúp em trang trải đủ tiền nhà, tiền học cho bản thân...
"Nhà em, bố mẹ không có điều kiện, lại phải nuôi thêm 2 em ăn học, nên mùa hè, khi các bạn về quê với gia đình em vẫn phải ở lại Thủ đô kiếm tiền cho học phí năm sau” - Hương tâm sự.
Chăm chỉ, năng động, nhưng cuối cùng Hương vẫn trở thành người thất nghiệp giữa lúc kinh tế khó khăn.
Ra trường với tấm bằng loại khá, Hương trúng tuyển vào vị trí biên tập viên của một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội. Nhưng chỉ làm trong Nhà xuất bản được chừng ba năm thì Hương xin nghỉ.
“Môi trường biên tập trong cơ quan nhà nước bon chen quá chị ạ. Hết đe cắt giảm biên chế lại bị áp lực từ những anh chị đồng nghiệp lớn tuổi. Khi ít việc thì không biết vẽ gì ra mà làm. Nay họ bắt mình thế này, mai họ bắt mình thế khác. Cách nhau nhiều thế hệ, lại lối suy nghĩ có phần khác nhau nên em luôn bị căng thẳng mỗi khi đến cơ quan...” - Hương nén tiếng thở dài.
…đến nhân viên “đa di năng”
“Sau khi nghỉ việc, phải đến gần một năm nay em nộp đơn khắp nơi mà không có nơi nào chịu nhận. Ngày nào em cũng đợi tiếng điện thoại reo hay những tin nhắn mới trong email từ các công ty, cơ quan để được phỏng vấn xin việc mà mãi chưa có hồi âm. May mắn lắm mới có người gọi thì khi đi phỏng vấn họ cũng chỉ hỏi qua loa rồi không biết vì sao mà mình không trúng tuyển...
Từ đó, để có tiền sống qua ngày, em phải làm thêm đủ việc, từ giúp việc theo giờ, bán hàng đến làm gia sư... Lắm hôm, sáng ra, chỉ cố ăn bát cơm nguội chan với mắm hoặc mỳ tôm trường kỳ chứ không dám ra chợ".
Nói rồi, Hương lại nhìn xa xăm: “Có thể cái nghiệp viết lách nó cứ thôi thúc em, có duyên với em chị ạ. Nên thỉnh thoảng ngồi rảnh rỗi, lại ngứa nghề và tí toáy ngồi viết bài để gửi các báo. May mắn cũng có vài bài được đăng, được nhận nhuận bút. Từ đó, em chuyển sang kiếm tiền bằng việc làm cộng tác viên cho một số tờ báo. Tuy số tiền đó không được là mấy vì không phải lúc nào cũng có đề tài để viết, và không phải lúc nào cũng được đăng. Nhưng trước hết, em vẫn cứ bấu víu vào đó để sống qua ngày thôi.
“Có nhiều người khuyên em về quê xin việc, nhưng em nghĩ ở quê cũng không khác gì Hà Nội cả, bởi đâu đâu kinh tế cũng đang khó khăn. Hơn nữa, ngành của em ở quê cũng không có nhiều cơ hội, nên em cứ làm lặt vặt để tạm sống qua ngày đã. Nhiều lúc em cũng nản lắm, muốn buông xuôi. Nhưng biết làm sao được. Cứ chờ mong thôi. Hiện tại em cũng vẫn đang nộp hồ sơ làm PR cho một vài công ty…” - Hương thở dài.
Hồng Tươi